Thứ sáu 26/04/2024
  • Giáo dục
Thứ hai, 09/03/2020 - 10:35:17

3 Vấn đề cần lưu ý để đạt điểm cao môn Địa lý

- Thông thường, trong Kỳ thi THPT quốc gia qua các năm, môn Địa lý luôn được đa số học sinh yêu thích vì dễ học, dễ lấy điểm cao, có thể “kéo” điểm cho các môn khác. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều học sinh gặp khó khăn, lúng túng về phương pháp học, chưa nắm vững các kỹ năng làm bài.

Để tự tin, dễ dàng khi học và làm bài được điểm cao, thí sinh cần lưu ý ba nội dung giúp học tốt bộ môn này.

Nắm vững kiến thức cơ bản

- Học, ôn tập lý thuyết theo các chủ đề: Ví dụ chủ đề địa lý tự nhiên, dân cư, địa lý các ngành và địa lý các vùng kinh tế…

- Nên hệ thống hóa kiến thức bằng các sơ đồ tư duy khi học

Vd 1: Chủ đề địa lý tự nhiên nên theo cấu trúc sau:

+ Đặc điểm các thành phần tự nhiên của nước ta

+ Biểu hiện của các đặc điểm đó

+ Nguyên nhân của các đặc điểm đó

+ Ý nghĩa của các đặc điểm đó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội (thuận lợi, khó khăn)

Vd 2: Chủ đề địa lý các ngành kinh tế cấu trúc dễ học thường theo:

+ Vai trò

+ Nguồn lực phát triển của ngành (kết hợp khai thác, sử dụng nhiều trang Atlat khi trình bày

+ Hiện trạng phát triển và phân bố của các ngành (kết hợp khai thác, sử dụng một trang Atlat)

+ Những tồn tại của ngành và hướng phát triển

Vd 3: Chủ đề địa lý các vùng kinh tế, cấu trúc gợi ý sẽ là:

+ Khái quát chung

+ Nguồn lực phát triển: Nguồn lực tự nhiên (vị trí, địa hình, đất, khí hậu, nước, sinh vật, khoáng sản...), nguồn lực kinh tế - xã hội (dân cư lao động, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác như vốn, trình độ phát triển, thị trường, chính sách, lịch sử...)

+ Tình hình khai thác các thế mạnh kinh tế của các vùng.

+ Những tồn tại và hướng phát triển.

Nếu theo cấu trúc bài học này, các em sẽ rất dễ nhớ, khắc sâu kiến thức và đồng thời luôn có sự so sánh, đối chiếu khi học giữa các đặc điểm tương đồng và những nét khác biệt của các đối tượng địa lý.

Rèn các kỹ năng địa lý

Những kỹ năng địa lý bắt buộc các em phải thành thạo: Kỹ năng khai thác sử dụng Atlat Địa lý khi học và làm bài, kỹ năng nhận dạng, nhận xét các dạng biểu đồ, kỹ năng phân tích bảng số liệu thống kê, kỹ năng tính toán trong địa lý...

* Khai thác sử dụng Atlat:

Các em cần nắm một số yêu cầu cơ bản khi đọc Atlat như biết được ý nghĩa của các kí hiệu; Hiểu được các phương pháp biểu hiện các đối tượng địa lý trên bản đồ; Xác định được dạng câu hỏi vận dụng, khai thác Atlat...

* Biểu đồ

- Xác định được các dạng biểu đồ thích hợp đối với các đề bài

+ Nhóm biểu đồ thể hiện quá trình phát triển của sự vật, hiện tượng: Biểu đồ cột, đường và biểu đồ kết hợp...

+ Nhóm biểu đồ thể hiện cơ cấu,

sự chuyển dịch cơ cấu: Biểu đồ tròn, biểu đồ miền...

- Kỹ năng nhận xét và giải thích: Đọc bảng số liệu, tính toán, so sánh và vận dụng kiến thức lý thuyết để giải thích.

* Phân tích bảng số liệu thống kê

Đối với kỹ năng này, các em nên đọc kỹ câu hỏi và các phương án gợi ý, sau đó tìm mối liên hệ giữa các số liệu, chú ý không bỏ sót dữ liệu, có thể chuyển số liệu tuyệt đối sang tương đối để so sánh, phân tích...

* Tính toán trong môn Địa lý

Cần nắm vững các công thức tính toán trong môn Địa lý để vận dụng khi câu hỏi có yêu cầu tính toán như: Tính mật độ dân số, năng suất, tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ độ che phủ của rừng…

Một số lưu ý khác

- Phải vận dụng khai thác, sử dụng Atlat tối đa khi học và làm bài.

- Xác định và giải thích được các mối liên hệ nhân quả giữa các đối tượng

địa lý. Tránh học thuộc lòng nhất là đối với các số liệu kinh tế. Học sinh phải biết phân tích ý nghĩa các số liệu đó, những biến động của số liệu phản ánh được điều gì và tại sao có sự biến động như vậy.

- Trong quá trình ôn tập cần cố gắng giải câu hỏi trắc nghiệm hoặc đề mẫu càng nhiều càng tốt, vì “trăm hay không bằng tay quen”.

- Khi làm bài, cần:

+ Đọc thật kỹ, xác định được yêu cầu của đề, chú ý dạng câu hỏi phủ định “không” để tránh nhầm lẫn.

+ Chọn câu dễ làm trước.

+ Phân bố thời gian làm bài hợp lý.

+ Không bỏ trống đáp án dù không chắc, vì vẫn còn xác suất trúng.

Ngoài ra, thông tin về Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ không công bố đề minh họa như các năm trước, vì vậy việc phân tích cấu trúc đề thi THPT quốc gia năm 2019 vẫn là cơ sở để giúp các em định hướng ôn tập. Chủ yếu kiến thức vẫn thuộc chương trình lớp 12 (90%), lớp 11 (10%, nhưng đa số câu hỏi dạng thực hành kỹ năng địa lý).

Chúc các em học sinh học thật tốt, chuẩn bị chu đáo để bước vào kỳ thi với tinh thần tự tin, thoải mái và làm bài đạt hiệu quả cao nhất!

Trần Thị Bích Ngân (Tổ trưởng môn Địa lý, Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, TP Cần Thơ)

Tag: