• Giáo dục
Thứ năm, 11/11/2021 - 05:01:57

70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn vì Covid-19

Số lượng lớn sinh viên không thể ra trường đúng hạn vì đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Mở đầu phiên chất vấn trước Quốc hội sáng 11/11, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết thông tin trên. Ông nói, việc này sẽ ảnh hưởng lớn tới quá trình cung cấp nguồn nhân lực. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện có 20 cơ sở đào tạo vẫn còn khóa sinh viên chưa hoàn thành hết bài đánh giá kết thúc năm học, chủ yếu thuộc các khối trường văn hóa nghệ thuật, trường đào tạo khối ngành sức khỏe.

Ngoài ra, còn gần 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài.

Gần hai năm qua, Covid-19 đã làm đảo lộn và tàn phá tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ra trường muộn của sinh viên trên cả nước.

Cũng đề cập đến tình trạng đào tạo - việc làm của sinh viên, trong phiên làm việc buổi chiều với Bộ trưởng Sơn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phản ánh một số trường đại học ồ ạt thu hút sinh viên bằng nhiều cách, để tăng nguồn thu, dẫn đến về lâu dài, sinh viên ra trường không có việc làm. Ông đặt vấn đề, có nên yêu cầu cam kết của đại học về việc làm cho sinh viên không.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng "yêu cầu các đại học cam kết về việc làm cho sinh viên khó khả thi". Ông giải thích, duy trì mối liên kết khăng khít giữa nhà trường, nhà tuyển dụng, doanh nghiệp là rất tốt. "Nhưng việc tuyển dụng không hoàn toàn trong tay nhà trường. Hiếm có doanh nghiệp nào dám đặt bút ký đảm bảo sẽ dùng bao nhiêu nhân lực. Vì vậy, giải pháp là cần tăng cường mối liên hệ liên kết giữa nhà trường, doanh nghiệp, người tuyển dụng. Nhưng yêu cầu tất cả các trường ký cam kết là khó khả thi", Bộ trưởng Sơn nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cũng chia sẻ lo lắng trong lĩnh vực đào tạo đại học khi nhiều trường có xu hướng mở mã ngành về sức khỏe, nhưng một số chưa đảm bảo các điều kiện dạy và học. Bộ trưởng Giáo dục cho biết, với chủ trương tự chủ đại học, đây là quyền của các đơn vị. Nhưng hai nhóm ngành về sức khỏe và sư phạm vẫn thuộc Bộ thẩm định và quyết định. Bộ đã yêu cầu mở chương trình phải đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí nghiêm ngặt. Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục rà soát các quy định xem có vấn đề gì chưa chặt chẽ để tiếp tục bổ khuyết thêm.

Trong phiên trả lời chất vấn đầu tiên của mình, Bộ trưởng Giáo dục chia sẻ, Bộ đang chuẩn bị về cơ sở pháp lý, nền tảng, nhân lực, mô hình thí điểm để tiến tới đại học ảo, đào tạo từ xa. Nền tảng học trực tuyến cũng sẽ được đầu tư để đồng bộ, đủ lớn, bền vững mang tầm quốc gia.

Ông Sơn cho biết cần xây dựng kho học liệu, bộ cơ sở dữ liệu đủ lớn, vì khi có nền tảng thì việc học trực tuyến sẽ đảm bảo ngay cả trong điều kiện dịch bệnh.

Trong chiến lược của Bộ Giáo dục thì chuyển đổi số là một trong những đột phá của ngành thời gian tới. "Chúng tôi cho rằng việc dạy trực tuyến lúc này là hình thức ứng phó tạm thời nhưng khi dịch đã ổn định, ngành cũng sẽ nghiên cứu để đưa vào thực hiện mang tầm chiến lược", ông Sơn cho hay.

Tag:

(Theo VnExpress)