Thứ sáu 19/04/2024
Thứ sáu, 16/04/2021 - 10:07:05

Doanh nghiệp công nghệ đua nhau tiếp cận trường học

Mobifone, VNPT, Samsung, FPT... cùng giới thiệu các giải pháp công nghệ giúp nhà trường hoạt động hiệu quả, học sinh học tập thuận tiện hơn.

Tại hội thảo "Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo thủ đô" tổ chức ở trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, quận Hà Đông, Hà Nội chiều 14/4, đại diện Mobifone giới thiệu về MobiEdu - bộ giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho nhà trường, giáo viên và học sinh. Bên cạnh cổng bài giảng trực tuyến, giảng dạy trực tuyến, điểm nổi bật của MobiEdu là cổng ôn luyện, thi thử cho học sinh.

Với cổng ôn luyện, sau khi kích hoạt tài khoản, học sinh vào chọn khối, làm thử đề thi các năm trước và nhận được điểm. Hệ thống sau đó gợi ý các trường, ngành học sinh có thể đỗ, dựa vào điểm chuẩn những năm trước. Nếu làm đề môn Lịch sử, bạn trả lời sai một câu, đề tiếp tục chạy nhưng sẽ đảo vị trí câu hỏi, câu trả lời và nội dung, với mục đích nhắc nhở người học, giúp ghi nhớ sự kiện.

Ông Tào Đức Nam giới thiệu giải pháp lớp học thông minh với các thiết bị ngoại vi của Samsung tại hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo thủ đô.

Ông Tào Đức Nam giới thiệu giải pháp lớp học thông minh với các thiết bị ngoại vi của Samsung tại hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo thủ đô. Ảnh: Minh Phương.

Theo chị Phạm Phương Thảo, Phòng Nội dung số của Mobifone, cổng thi thử là sản phẩm mới ra mắt năm nay của MobiEdu và khác biệt so với các giải pháp chuyển đổi số khác. Hiện thị trường có nhiều bộ đề thi thử được đưa lên mạng, nhưng chỉ để luyện tập đơn thuần. Cổng thi thử ra đời nhằm giúp học sinh trải nghiệm áp lực như thi thật để rèn luyện tinh thần.

Mobifone từng có sản phẩm về giáo dục, như sổ liên lạc điện tử, nhưng rời rạc. Năm 2020, dưới tác động của Covid-19 và chính sách chuyển đổi số quốc gia, nhất là giáo dục, nhà mạng bắt đầu nhóm lại những gì đang có, tích hợp nền tảng mới để tạo thành một bộ giải pháp hoàn chỉnh và bước vào sân chơi giáo dục.

Mobifone chủ trương xã hội hóa mọi đối tượng, mong muốn đồng hành để nâng cao kiến thức của mọi người. Nhờ sự hỗ trợ của nhà mạng, học sinh chỉ phải trả mức phí thấp, 3.000 đồng/ngày hoặc 50.000 đồng/tháng.

Trước xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục, Samsung cũng không thể làm ngơ. Ông Tào Đức Nam, Giám đốc Kinh doanh Công ty CMS - đối tác chiến lược của Samsung, khẳng định doanh nghiệp tham gia không phải với tư cách nhà giáo dục mà là nhà kinh doanh, nhìn nhận giáo dục như một ngành kinh doanh, nhưng gắn liền với chuẩn mực đạo đức, đam mê, hiểu biết và sứ mệnh nhất định.

Dưới góc độ nhà kinh doanh, giáo dục luôn là một trong những lĩnh vực được đầu tư hàng đầu của nhà nước và gia đình. Hoạt động trong lĩnh vực này luôn có sự bền vững nhất định. Tham dự hội thảo, Samsung mang đến hệ sinh thái thiết bị ngoại vi, chuyên dụng. Lớp học trong thời đại số sẽ đầy đủ thiết bị như bảng tương tác (thay cho bảng đen), máy tính, máy tính bảng...

Trước đây, giáo viên giảng bài trên bảng, viết hết sẽ xóa đi, không lưu giữ được kiến thức. Với màn hình tương tác Samsung flip có 20 roll (cuộn), mỗi cuộn 20 trang, sẽ lưu lại toàn bộ những gì đã viết. Thay vì xóa đi, giáo viên chỉ việc lật trang, giúp bài giảng liền mạch, tiết kiệm thời gian.

Giải pháp của Samsung còn giúp người dạy bao quát và kiểm soát được học sinh học tập ra sao, làm bài đúng hay sai thông qua máy tính bảng. Phụ huynh cũng kiểm soát được nội dung con làm gì và định hướng cho con nhờ phần mềm cài vào thiết bị của Samsung.

Trong số công ty công nghệ và viễn thông lớn, FPT có thâm niên đầu tư vào giáo dục. Vioedu - ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), của FPT không đặt nặng vấn đề kinh doanh mà chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục, đưa công nghệ đến từng trường.

Trợ lý thông minh Vioedu là sản phẩm được ấp ủ từ năm 2017 nhưng 2019 mới ra mắt vì mất hơn một năm đưa tới các trường dùng trải nghiệm. Đây cũng là giải pháp nhận được sự quan tâm nhất của các trường tại hội thảo.

Học sinh trải nghiệm Vioedu tại ngày hội CNTT ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngày 13-14/4. Ảnh: Thu Huyền.

Học sinh trải nghiệm Vioedu tại ngày hội CNTT ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngày 13-14/4. Ảnh: Thu Huyền.

Theo anh Nguyễn Bá Việt, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển sản phẩm của Vioedu, học sinh hưởng lợi nhất khi truy cập hệ thống do ứng dụng AI cá nhân hóa việc học. Trong khi học và trải nghiệm, hệ thống sẽ phân tích và đưa ra lộ trình đúng nhất để học sinh đến đích với đường ngắn nhất. Trước đây, bạn yếu một kỹ năng nào đó và phải học lại toàn bộ thì công nghệ hiện tại sẽ phân tích được trong kỹ năng ấy bạn yếu phần nào để hỗ trợ.

Đối với nhà trường, Vioedu cũng cung cấp giải pháp quản lý hỗ trợ giáo viên trong việc giảng dạy. Nhà trường có thể kết hợp với Vioedu để xây dựng những kho dữ liệu lớn riêng và FPT cam kết đồng hành.

Ưu việt lớn nhất của Vioedu là kho nội dung tự làm hoàn toàn, được FPT và các đơn vị có thẩm quyền kiểm duyệt. Hiện, một số trường Hà Nội như Ngôi Sao và Đoàn Thị Điểm kết hợp với FPT để đồng bộ hóa tất cả môn học lên hệ thống này.

Bà Phùng Thị Anh Hà, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đa Tốn, quận Gia Lâm, nhận xét một số ứng dụng nghe hay nhưng áp dụng vào thực tế lại không hiệu quả. Ví dụ ứng dụng điểm danh khuôn mặt hoặc bằng dấu vân tay không khả thi do các em nhỏ tranh giành nhau hoặc tập trung quá đông một lúc.

Hiện trường của bà Hà sử dụng phần mềm kế toán Misa với chi phí 2 triệu một tháng. Có đơn vị đến chào mời phần mềm dạy Toán tiếng Anh nhưng bà chưa đồng ý do chí phí cao, 450.000 đồng/học sinh/tháng với 2 tiết/tuần. Để sử dụng được phần mềm này, giáo viên cần phải được tập huấn kỹ lưỡng.

Giống trường Tiểu học Đa Tốn, trường THPT Kim Anh, huyện Sóc Sơn, cũng dùng phần mềm kế toán Misa. Theo ông Nguyễn Xuân Tuấn, đại diện trường Kim Anh, có nhiều ứng dụng hữu ích với nhà trường, nhưng việc dùng cái nào còn phụ thuộc vào điều kiện từng trường, giáo viên và phụ huynh.

Ông thỉnh thoảng nhận được email chào mời từ các đơn vị cung cấp. Trường Kim Sơn trước đây dùng phần mềm sổ liên lạc điện tử nhưng sau một thời gian phải đổi vì không phù hợp. Tin nhắn không có dấu khiến phụ huynh gặp khó khăn trong việc tiếp nhận.

Sau khi nghe 9 công ty trình bày sản phẩm mới tại hội thảo, ông Tuấn thấy tâm đắc với giải pháp của một đơn vị về xây dựng website. "Website của trường hiện có nhiều bất cập, sắp tới cũng phải thay đổi. Nhà trường sẽ tìm hiểu một số đơn vị và thấy phương án nào phù hợp thì sẽ triển khai", ông Tuấn nói.

(Theo Vnexpress)