Thứ bảy, 28/08/2021 - 06:06:54

Hà Nội: Vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tổ chức dạy - học tốt

Mục tiêu trong năm học 2021-2022 của Hà Nội là khắc phục khó khăn để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tổ chức tốt việc dạy, học theo kế hoạch.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại điểm cầu thành phố Hà Nội.Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại điểm cầu thành phố Hà Nội.

Quan tâm, ưu tiên đầu tư để phát triển giáo dục

Tham luận tại hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết: Trong những năm qua, Hà Nội luôn coi trọng, quan tâm, ưu tiên đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Năm học 2020-2021, giáo dục Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước với 2.792 trường mầm non, phổ thông các cấp với hơn 2,1 triệu học sinh, hơn 159.000 cán bộ, giáo viên. Toàn ngành đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ học năm học, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục.

Hà Nội tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn, giữ vững thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Trong kỳ học sinh giỏi quốc gia, Hà Nội có số thí sinh đoạt giải nhiều nhất cả nước. Tại các kỳ thi Olympic quốc tế, cả 5 học sinh Hà Nội dự thi đều xuất sắc giành Huy chương vàng, chiếm 5/12 Huy chương vàng của đoàn Việt Nam.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Hà Nội tiếp tục là địa phương có số điểm 10 nhiều nhất cả nước với 2.286 điểm 10, chiếm 9,3% số điểm 10 của cả nước; 17/100 thí sinh có tổng điểm các bài thi cao nhất cả nước. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được thành phố quan tâm, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia hiện đạt 76,9%.

Hà Nội tổ chức thành công kỳ thi vào lớp 10 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hà Nội đã tổ chức thành công kỳ thi vào lớp 10 THPT với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận được sự quan tâm ủng hộ của đông đảo nhân dân thành phố. Hàng loạt giải pháp đã được Hà Nội triển khai một cách linh hoạt, quyết đoán, thích ứng kịp thời. Kỳ thi đặc biệt với những điều chỉnh đặc biệt, kỳ thi chưa từng có với những thay đổi chưa từng có.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Nội đặt chỉ tiêu xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt từ 80-85%. Năm 2021, thành phố dành gần 1.000 tỷ đồng đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học cho lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Hà Nội cũng tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đầu cấp, đồng thời quan tâm đến công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên.

Năm 2021, thành phố đã bồi dưỡng thường xuyên cho gần 74.000 cán bộ quản lý, giáo viên; đào tạo nâng chuẩn IELTS quốc tế cho hơn 3.600 giáo viên tiếng Anh và hơn 50.000 giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới. Thành phố cũng dự kiến cử đi đào tạo gần 8.500 cán bộ quản lý, giáo viên, hoàn hành vào năm 2027, sớm hơn 3 năm so với quy định.

Triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, thành phố Hà Nội có thêm Nghị quyết số 15/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đã có 1.706 giáo viên, nhân viên nhận kinh phí hỗ trợ.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học.

Vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa tổ chức dạy, học tốt

Theo Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh, trong quá trình triển khai, Hà Nội còn gặp một số khó khăn như số lượng học sinh mỗi năm tăng 69.000 em, tuy nhiên, biên chế giáo viên không được giao tăng thêm. Việc triển khai một số Nghị định của Chính phủ về lĩnh vực giáo dục còn có những bất cập với thực tiễn và Luật Giáo dục.

Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 đã hết hiệu lực, chưa có cơ sở pháp lý để các địa phương ban hành Nghị quyết về thu học phí cho năm học 2021-2022.

Trong năm học 2021-2022, ngành GD Hà Nội nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa tích cực phòng chống dịch Covid-19, vừa triển khai hiệu quả các chương trình giáo dục; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đổi mới công tác quản lý; sắp xếp lại hệ thống các trường học; xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng...

Để triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo, Hà Nội xác định 6 giải pháp, gồm: Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực, tập trung phát triển hệ thống giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo; xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, lành mạnh, thân thiện; xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo; đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh; tập trung nâng cao chất lượng dạy học Ngoại ngữ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDĐT.

Thông qua Hội nghị, Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT, cùng các bộ, ban, ngành sớm ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên cấp quận, huyện, thị xã; sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Có hướng dẫn để bảo đảm việc giao đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên đối với các cơ sở giáo dục công lập theo định mức quy định của Bộ GD&ĐT căn cứ trên quy mô trường, lớp, học sinh; hướng dẫn chuyển đổi mô hình sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ông Chu Ngọc Anh đề xuất Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan cho phép Hà Nội được thực hiện cơ chế đặc thù với các dự án trường học tại các quận nội đô không còn quỹ đất được tăng mật độ xây dựng, tầng cao, tầng hầm phù hợp với từng địa bàn, tính chất theo từng dự án.

Tag: