Thứ bảy 20/04/2024
  • Hướng nghiệp
Thứ tư, 15/06/2022 - 09:57:18

Ngành Công nghệ thông tin đang thiếu nhân lực chất lượng cao

Lĩnh vực công nghệ thông tin đang có tốc độ phát triển nhanh nên nhu cầu nhân lực về ngành này cũng đang bức thiết. Những năm gần đây, nhiều trường đại học, cao đẳng cũng mở rộng đào tạo ngành Công nghệ thông tin tuy nhiên chưa đáp ứng kịp so với nhu cầu của xã hội.

Năm 2030 sẽ có 1,5 triệu nhân viên trong lĩnh vực kỹ thuật số

Theo Tổng cục thông kê, tốc độ tăng trưởng của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã vượt qua dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lớn thứ 2 của Việt Nam kể từ năm 2019 đến nay.

Hiện Việt Nam đang đứng thứ 2 trên thế giới về sản xuất điện thoại di động và linh kiện, đứng thứ 10 thế giới về sản xuất linh kiện điện tử. Đây cũng là hai yếu tố chính giúp lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam trở thành ngành xuất siêu lớn nhất trong sự tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Đặc biệt, trong Dự thảo Chiến lược quốc gia về vấn đề công ty công nghệ số Việt Nam đã nêu rõ mục tiêu, cho đến năm 2030 Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung vào việc phát triển các công ty với 4 loại hình công nghệ số:

  1. Các công ty phát triển công nghệ cốt lõi
  2. Các công ty phát triển các sản phẩm và dịch vụ công nghệ kỹ thuật số
  3. Các công ty phát triển các giải pháp công nghệ kỹ thuật số
  4. Khởi nghiệp công nghệ số

Theo dự thảo này, Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 đạt ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số và có 1,5 triệu nhân viên trong lĩnh vực kỹ thuật số. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ có thể bứt phá và mở rộng hơn quy mô kinh doanh nhờ các chính sách hỗ trợ từ nhà nước. Cũng nhờ đó, dư địa việc làm trong lĩnh vực này sẽ còn dồi dào hơn.

Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục xây dựng các chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ thông cũng như định hình cơ cấu chuyển đổi số quốc gia rõ ràng, hiệu quả. Việt Nam chú trọng đầu tư mạnh vào chi phí cạnh tranh, cơ sở hạ tầng với các tổ hợp công nghệ thông tin, các khu công nghệ cao để trở thành điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư công nghệ nước ngoài.

Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao

Theo các số liệu thống kê từ năm 2018 – 2022 được đưa ra, nhu cầu nhân lực cho ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam vẫn đang tăng cao liên tục. Dựa trên Báo cáo về thị trường công nghệ Việt Nam 2021 của TopDev, đến năm 2021 Việt Nam sẽ còn cần đến 450.000 nhân lực trong ngành công nghệ thông tin. Trong khi đó, số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 430.000 người.

Thực tế là, số lượng ngành học về công nghệ thông tin ở các trường đại học đang mở rộng ngày càng nhiều cũng như số lượng cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành này vẫn tăng cao qua mỗi năm, tại sao vẫn có sự chênh lệch này? Sự thiếu hụt này chủ yếu là do trình độ của lập trình viên và yêu cầu doanh nghiệp đặt ra vẫn chưa thực sự cân bằng với nhau. Trong số hơn 55.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (30%) đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn mà doanh nghiệp cần.

Cạnh tranh về trình độ, chuyên môn

Nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn luôn trên đà tăng trưởng nhanh và mạnh. Do sự thay đổi và ảnh hưởng của tình hình kinh tế – xã hội chung cũng như dựa trên các kỹ năng cứng và kỹ năng mềm mà lập trình viên sở hữu, mức lương cũng như trình độ sẽ được phân loại một cách rõ ràng hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh kỹ năng chuyên môn vững vàng, những kỹ năng mềm như khả năng tư duy phát triển, giao tiếp, quản lý thời gian, trình độ ngoại ngữ,… cũng là yếu tố quan trọng trong quá trình tuyển chọn và đánh giá ứng viên của nhà tuyển dụng. 

Chính sự biến động của tình hình chung do dịch bệnh gây ra cũng như sự đổi mới liên tục của công nghệ đòi hỏi ở các lập trình viên khả năng thích ứng nhanh và nhạy bén với mọi sự biến đổi. Các lập trình viên cần nâng cao kỹ năng công nghệ của bản thân với sự hiểu biết về các công nghệ mới và đột phá như Cybersecurity, DevOps, AI và Machine Learning, Cloud Computing…