Thứ sáu 26/04/2024
Thứ năm, 21/10/2021 - 08:42:48

Phân biệt ngành công nghệ đa phương tiện và truyền thông đa phương tiện

Công nghệ đa phương tiện và truyền thông đa phương tiện là 2 ngành mới tại Việt Nam. Vì nhu cầu nhân lực của 2 ngành này rất lớn nên được đông đảo các bạn trẻ quan tâm. Cùng tìm hiểu sự khác nhau giữa ngành công nghệ đa phương tiện và ngành truyền thông đa phương tiện qua bài viết dưới đây nhé.

Khái niệm từng ngành

Truyền thông đa phương tiện là gì?

Ngành truyền thông đa phương tiện (multimedia) là một ngành ứng dụng công nghệ thông tin trong sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mỹ thuật mang tính ứng dụng trong các lĩnh vực truyền thông (quảng cáo, truyền hình, bản tin,…), giải trí (game, điện ảnh, hoạt hình…), y học (mô phỏng, tư vấn khám chữa bệnh từ xa…), giáo dục (hướng nghiệp, minh họa trực quan…) và nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Sinh viên khi theo học ngành này sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức về nền tảng mỹ thuật và công nghệ thông tin. Ngoài ra sinh viên còn có kiến thức chuyên sâu về kỹ năng báo chí, quảng cáo, truyền thông. Kỹ năng viết các ấn phẩm báo chí, thiết kế sách báo, biên tập, sáng tạo nội dung video, thiết kế website….

Công nghệ đa phương tiện là gì?

Công nghệ đa phương tiện (tiếng Anh là Multimedia Technology) là một ngành ứng dụng lĩnh vực công nghệ thông tin để tạo ra các ứng dụng đa phương tiện trong lĩnh vực truyền thông, giải trí, y học và giáo dục cùng rất nhiều lĩnh vực khác.

Khi theo học ngành này sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức nền tảng và kỹ năng cần thiết để làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp nhiều ngành. Chẳng hạn như: truyền hình, thiết kế công nghiệp, CNTT Viễn thông, giải trí, điện ảnh, quảng cáo, kiến trúc, thời trang….

Ngoài ra bạn cũng có thể tạo ra những sản phẩm đa phương tiện khác nhau như: dịch vụ và nội dung trên mạng truyền thông, game, web, quảng cáo, phim ảnh, đồ họa 2D/3D,….

Ngành công nghệ đa phương tiện đã xuất hiện trên rất nhiều quốc gia. Những năm gần đây nó với bắt đầu được du nhập vào Việt Nam. Mô hình đào tạo đại học ngành này tại Việt Nam đang theo hướng chuyên sâu và tập trung vào các ngành học tương ứng với các lĩnh vực khác nhau. Nhân lực được đào tạo ngành này sẽ có kiến thức chuyên môn, kỹ thuật cao về nghệ thuật. Tuy nhiên lại thiếu khả năng liên kết kiến thức đa ngành.

Các bạn có thể hiểu là ngành công nghệ đa phương tiện sẽ tập trung vào xây dựng, lập trình các ứng dụng. Đồng thời thiết kế ứng dụng để phục vụ cho ngành truyền thông. Còn ngành truyền thông đa phương tiện sẽ vận dụng những thiết bị đa phương tiện có sẵn để sản xuất chương trình, xây dựng chương trình truyền thông.

Tiêu chí về tố chất của từng ngành

Truyền thông đa phương tiện

Ngành truyền thông đa phương tiện là ngành mới có sự kết hợp giữa tính thẩm mỹ và ứng dụng của sản phẩm vào cuộc sống. Vì vậy, sinh viên theo học ngành này cần có khiếu thẩm mỹ, khả năng sáng tạo, sự đam mê và tìm tòi học hỏi kiến thức. Ngoài ra cần có tính kiên trì rèn luyện kỹ năng về các phần mềm thiết kế đồ họa chuyên nghiệp. 

Các bạn sinh viên cần tiếp cận các công nghệ mới, nó sẽ giúp cho công việc của bạn dễ dàng hơn trong việc thực hiện các ý tưởng sáng tạo. 

Ngành nghề này phù hợp với cả nam và nữ. Mặt khác đối với những người có cá tính, ngại tiếp xúc trong giao tiếp cũng có thể thành công. 

Công nghệ đa phương tiện

Ngành này là sự kết hợp giữa nghệ thuật và kỹ thuật. Cụ thể trong đó là công nghệ thông tin và truyền thông. Vì vậy, sinh viên theo học ngành mày cần có khiếu thẩm mỹ, tư duy sáng tạo, lập kế hoạch và tổ chức công việc; có phương pháp làm việc nhóm hiệu quả (đa ngành), hội nhập được trong môi trường quốc tế; tính kiên trì học hỏi tìm tòi các phần mềm thiết kế đồ họa chuyên nghiệp,...

Học hai ngành này ở đâu?

Các trường đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện:

Hiện nay, ngành Truyền thông đa phương tiện được đào tạo tại nhiều cơ sở giáo dục đại học uy tín:

  • Đại học Hà Nội
  • Học viện Báo chí và Tuyên truyền
  • Đại học Thăng Long
  • Học viện Phụ nữ Việt Nam
  • Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Thái Nguyên
  • Đại học Duy Tân
  • Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP HCM
  • Đại học Công nghệ TP HCM
  • Đại học Quốc tế Hồng Bàng
  • Đại học Nguyễn Tất Thành
  • Đại học Văn Hiến
  • Đại học Tây Đô
  • Đại học Hùng Vương TP HCM (ngành CNTT)
  • Đại học Gia Định

Các trường đào tạo ngành Công nghệ đa phương tiện:

Vì là ngành mới nên hiện nay chỉ có vài trường đào tạo ngành này:

  • Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông
  • Đại học Hòa Bình
  • Đại học Mở Hà Nội (thuộc ngành CNTT)
  • Đại học Kiến trúc Hà Nội (thuộc ngành CNTT
  • Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cơ sở TPHCM

Khối xét tuyển của hai ngành này

Các khối xét tuyển của ngành Truyền thông đa phương tiện

A00 (Toán, Vật Lý, Hóa Học)

A01 (Toán,Vật Lý, Tiếng Anh)

C00 (Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa Lý)

C01 (Ngữ văn, Toán, Vật lý)

C02 (Ngữ văn, Toán, Hóa học)

C15 (Ngữ văn, Toán, Giáo dục công)

D01 (Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh)

D14 (Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh)

D15 (Ngữ văn, Địa lý, Tiếng Anh)

D78 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Anh)

Các khối xét tuyển ngành Công nghệ đa phương tiện

Khối A00 (Toán, Vật lí, Hóa học)

Khối A01 (Toán, Vật lí, Tiếng Anh)

Khối C01 (Ngữ Văn, Toán, Vật lý)

Khối D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh)

Cơ hội việc làm của từng ngành

Truyền thông đa phương tiện ra trường làm gì?

Sau khi tốt nghiệp, tùy thuộc vào chuyên ngành mà sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện có thể làm việc ở rất nhiều các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, giải trí, quảng cáo, giáo dục, kinh doanh, với các vị trí công tác có thể đảm nhận như:

- Chuyên viên, chuyên gia làm việc về marketing, truyền thông trong các tổ chức, công ty;

- Chuyên viên, chuyên gia làm việc trong các công ty tư vấn truyền thông, quảng cáo, marketing, phát triển thương hiệu, chăm sóc khách hàng.

- Người làm việc trong lĩnh vực KOL, Blogger, phát triển nội dung số trên các nền tảng, quản lý các group, page, các kênh truyền thông xã hội.    

- Quản lý, biên tập, xây dựng các nội dung báo chí, ấn phẩm, bìa sách (tại các cơ quan báo chí, báo điện tử, nhà xuất bản)

- Biên tập, xây dựng các chương trình truyền hình, phim điện ảnh, xử lý âm thanh, hình ảnh trước khi phát sóng, thiết kế các nội dung truyền hình, hay làm các kỹ xảo điện ảnh (tại các công ty truyền hình, hãng sản xuất phim)

- Chuyên gia thiết kế, tư vấn quảng cáo, thiết kế bao bì, nhãn hiệu sản phẩm, thiết kế logo, làm phim quảng cáo,… hoặc một hệ thống nhận dạng thương hiệu (tại các công ty quảng cáo, PR)

- Thiết kế, xây dựng website, thiết kế giao diện, thiết kế chức năng, xây dựng nội dung (tại các công ty phát triển phần mềm, tạo dựng website)

- Thiết kế đồ họa, mô phỏng, ứng dụng trong y học, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, giáo dục,… (tại các công ty về thiết kế đồ họa)

- Giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, giáo dục đại học hoặc trung cấp chuyên nghiệp có liên quan đến ngành.

Công nghệ đa phương tiện ra trường làm gì?

Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ đa phương tiện có khả năng thực hiện công việc với tư cách như một chuyên viên trong lĩnh vực Công nghệ đa phương tiện, đáp ứng các yêu cầu về nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ thông tin của xã hội. 

Các vị trí công tác có thể đảm nhận:

- Kỹ sư thiết kế và phát triển phần mềm (game, Web, ứng dụng di động…);

- Trưởng nhóm phát triển phần mềm đa phương tiện;​

- Chuyên viên thiết kế, tư vấn trong các công ty, các xưởng thiết kế, công ty quảng cáo, marketing, truyền hình, game, công ty truyền thông và tổ chức sự kiện, các tòa soạn, cơ quan truyền hình, báo chí;

- Chuyên gia hiệu ứng hình ảnh, giám đốc sáng tạo;

- Chuyên viên các loại hình sản phẩm sử dụng đồ họa tĩnh động 2D, 3D;

- Quản lý dự án phần mềm đa phương tiện;

- Chuyên viên thiết kế và xử lý nội dung số;

- Giảng dạy trong các đơn vị trong lĩnh vực phát triển nội dung số;

Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu và phát triển ngành Công nghệ thông tin trong tương lai. Bên cạnh đó, sinh viên có thể tiếp tục học tập lên các bậc cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực CNTT và các lĩnh vực liên quan.

Trên đây là thông tin về hai ngành Công nghệ đa phương tiện và Truyền thông đa phương tiện, mong bài viết hữu ích với các bạn.