Thứ sáu 19/04/2024
Thứ tư, 01/09/2021 - 09:24:58

Quy chế tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ năm 2021 cho phép tuyển sinh trực tuyến

Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2021 điều chỉnh theo hướng cho phù hợp với hoàn cảnh dịch bệnh, cho phép tuyển sinh, đào tạo trực tuyến, có kèm điều kiện.

Bộ Giáo dục và đào tạo vừa công bố Thông tư 23 ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ; thay thế cho Thông tư 15 hiện hành.

Cho phép tuyển sinh và đào tạo trực tuyến

Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài suốt hai năm qua, quy chế đã có những điều chỉnh để tuyển sinh của các trường không bị gián đoạn.

Quy chế cho phép thi tuyển theo hình thức trực tuyến khi đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy, công bằng như đối với tuyển sinh trực tiếp.

Về phương thức đào tạo trực tuyến, quy chế cho phép đào tạo trực tuyến không quá 30% khối lượng tín chỉ của chương trình đào tạo. Quy định này xuyên suốt và nhất quán với quy chế đào tạo trình độ đại học và tiến sĩ đã ban hành.

Quy chế này còn cho phép đánh giá trực tuyến với điều kiện bảo đảm sự tin cậy, công bằng và khách quan như đánh giá trực tiếp, đóng góp không quá 50% trọng số điểm học phần.

Trường hợp thiên tai, dịch bệnh và bất khả kháng khác, công tác đào tạo và đánh giá trực tuyến các học phần thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Chấp nhận chuyển đổi tín chỉ, liên thông giữa các trình độ

Điểm mới của quy chế là quy định về công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ nhằm liên thông giữa các trình độ giáo dục đại học, trao đổi học thuật trong nước và với nước ngoài; tạo điều kiện cho cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo ở các trình độ giáo dục đại học liên thông với trình độ thạc sĩ; tổ chức thực hiện công nhận và chuyển đổi tín chỉ bảo đảm tiêu chuẩn và quy định của pháp luật.

Quy chế của cơ sở đào tạo phải quy định chi tiết điều kiện, tiêu chí đánh giá, quy trình cụ thể cho việc công nhận và chuyển đổi tín chỉ. Quy định này được đánh giá phù hợp, linh hoạt và tiết kiệm thời gian cho sinh viên có thành tích học tập vượt trội.

Về nguyên tắc trao đổi học viên, số lượng tín chỉ học viên theo học ở cơ sở đào tạo phối hợp được công nhận không quá 25% tổng số tín chỉ của chương trình đào tạo học viên đang theo học, nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo.

Để đảm bảo trách nhiệm giải trình và ứng viên dự định học lên trình độ thạc sĩ có sự chuẩn bị, cơ sở đào tạo phải công khai danh mục ngành phù hợp đối với người học đã tốt nghiệp trình độ đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) cho từng chương trình đào tạo.

Quy chế thực hiện đúng tinh thần nâng cao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo Luật Giáo dục đại học (đã sửa đổi, bổ sung năm 2018), giao cơ sở đào tạo quy định cụ thể hơn với các yêu cầu bằng hoặc cao hơn quy chế này.

 

Tag:

(Theo Tuổi Trẻ)