Thứ bảy 20/04/2024
Thứ năm, 04/03/2021 - 11:07:09

Thầy cô giáo vùng cao góp tiền, "đỡ đầu" học sinh nghèo

Chứng kiến cảnh học sinh phải nghỉ học giữa chừng, các thầy cô giáo của xã vùng cao Đắk Ha (huyện Đắk G'Long) đã góp tiền, "đỡ đầu" cho các học sinh khó khăn.

Trường Tiểu học- Trung học cơ sở Trần Quốc Toản, xã Đắk Ha (huyện Đắk G'Long) hiện có gần 600 học sinh, trong đó phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc phía bắc.

Cuộc sống khó khăn, nhiều học sinh có nguy cơ bỏ học giữa chừng vì phải ở nhà phụ bố mẹ làm kinh tế. Từ thực tế đó, các thầy cô giáo trường Trần Quốc Toản đã tự nguyện góp tiền, đỡ đầu nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Thầy cô giáo vùng cao góp tiền, đỡ đầu học sinh nghèo - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Thầy cô giáo trường Trần Quốc Toản đã tự nguyện góp tiền, đỡ đầu nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Thầy cô góp tiền, nuôi học trò nghèo

Cứ thứ 2 đầu tiên của tháng, các thầy cô giáo của Trường Tiểu học- THCS Trần Quốc Toản lại phân công nhau đến thăm từng gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường. Theo lời cô Đinh Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, đây là những em học sinh có nguy cơ phải nghỉ học, nếu không được trợ giúp.

Tìm đến nhà em Lý Văn Anh (dân tộc Dao) sau khi đã kết thúc buổi học sáng, cô Hằng cho biết, từ tiền lương hàng tháng, toàn bộ giáo viên trong trường sẽ trích lại một phần, góp quỹ rồi sử dụng để hỗ trợ cho những học sinh. Trong gần 1 năm học, Thắng được hỗ trợ 500.000 đồng/ tháng.

Thầy cô giáo vùng cao góp tiền, đỡ đầu học sinh nghèo - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Trường Tiểu học- Trung học cơ sở Trần Quốc Toản, xã Đắk Ha (huyện Đắk G'Long) hiện có gần 600 học sinh

Gia đình Lý Văn Anh thuộc diện hộ nghèo của xã, cả bố và mẹ đều bị câm điếc bẩm sinh, lại không có đất sản xuất nên quanh năm chỉ đi làm thuê cho người dân trong xã. Thế nhưng, trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, cậu học trò lớp 7 hàng ngày vẫn đi bộ từ 5h sáng, vượt gần 15 km để đến trường.

"Chỉ đến đầu năm học này, khi biết hoàn cảnh của gia đình đặc biệt khó khăn, có khả năng không thể đi học nữa để ở nhà phụ giúp bố mẹ, nhà trường đã nhận đỡ đầu cho Văn Anh. Đặc biệt, qua kết nối với các nhà hảo tâm, nhà trường còn xin được cho em một chiếc xe đạp mới để em đi học mỗi ngày", cô Hằng kể.

Cùng khu Văn Anh sinh sống còn có Giàng A Thắng (dân tộc Mông). Thắng bị bố mẹ bỏ rơi, sống cùng bà ngoại đã gần 60 tuổi từ khi 4-5 tháng tuổi tới nay. Biết được hoàn cảnh của Thắng, từ khi bước vào lớp 3, thầy cô trong trường hỗ trợ em mỗi tháng 300.000 đồng cùng gạo, muối cho hai bà cháu sinh hoạt mỗi tháng.

Thầy cô giáo vùng cao góp tiền, đỡ đầu học sinh nghèo - 3
 

Nhấn để phóng to ảnh

Thầy cô giáo trường Trần Quốc Toản đến thăm và tặng quà cho gia đình Lý Văn Anh

Đón nhận tình cảm của thầy cô giáo trong trường, bà Đà Thị Mỵ xúc động: "Bố mẹ nó không nuôi được, chỉ có bà và thầy cô nuôi thôi. Mỗi tháng, cô giáo mang gạo, muối, nước mắm… vào tận nhà. Từ ngày nó được thầy cô nuôi, hai bà cháu cũng đỡ khổ hơn".

Theo cô Đinh Thị Hằng, không chỉ Văn Anh, A Thắng mà còn nhiều học sinh khác của trường cũng được nhà trường đỡ đầu bằng cách hỗ trợ tiền, gạo, nhu yếu phẩm hoặc đồ dùng học tập hàng tháng. Số lượng học sinh không cố định, rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, hàng tháng thầy cô giáo phải rà soát, nắm bắt để kịp thời hỗ trợ các em.

"Thực sự các thầy cô giáo công tác tại đây nhiều năm, hiểu được hoàn cảnh của các em nên ai cũng đồng lòng, vui vẻ đóng góp. Không có định mức cụ thể, ai có tiền góp tiền, ai có quà góp quà, miễn sao tất cả đều đến tay những số phận bất hạnh", cô Hằng nói.

Những món quà "xã hội hóa"

Theo cô Hằng, không kể những nhu yếu phẩm, đồ dùng cá nhân, mỗi tháng sẽ có khoảng 7-10 học sinh được nhận tiền hỗ trợ do các thầy cô giáo tặng. Ban đầu, nhà trường chỉ lựa chọn 1-2 em, nhưng qua nắm bắt, rà soát của giáo viên, nhà trường đã tăng số lượng học sinh nhận hỗ trợ lên.

"Nếu so với các trường trung tâm, các khu vực thành phố thì có lẽ số tiền 500.000 đồng/ tháng thì không nhiều. Thế nhưng ở địa phương vùng sâu vùng xa như Đắk Ha, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì nó thực sự giá trị. Món quà hàng tháng này, như là cách mà thầy cô giáo "giữ chân" học trò ở lại với lớp học", cô Đỗ Thị Hà, giáo viên nhà trường nói.

Thầy cô giáo vùng cao góp tiền, đỡ đầu học sinh nghèo - 4
 

Nhấn để phóng to ảnh

Ngoài sự đóng góp của giáo viên, trong thời gian tới trường Trần Quốc Toản sẽ huy động xã hội hóa để "đỡ đầu" học sinh

Đặc biệt, để nhân rộng việc làm ý nghĩa này, giúp nhiều học sinh khác của trường "yên tâm" đến lớp, Trường Tiểu học- THCS Trần Quốc Toản còn xã hội hóa, huy động sự đóng góp của những phụ huynh có điều kiện kinh tế.

Ông Bùi Cao Chung, Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh, đầu năm học, nhà trường phối hợp với phụ huynh các lớp, tổ chức phiên chợ quê, gây quỹ học bổng cho trường.

Những hàng hóa do mình tự làm ra như các loại rau, củ, quả, cá, gà, vịt được mang đến phiên chợ để bán. Toàn bộ số tiền lãi thu được, sẽ đưa vào quỹ khuyến học của nhà trường, hỗ trợ hàng tháng cho học sinh khó khăn.

Thầy cô giáo vùng cao góp tiền, đỡ đầu học sinh nghèo - 5
 

Nhấn để phóng to ảnh

Phụ huynh trường Trần Quốc Toản mở "phiên chợ quê" gây quỹ để hỗ trợ học sinh nghèo

Theo cô Hằng, ngoài việc đóng góp của giáo viên thì sự chung tay, giúp sức của phụ huynh, của xã hội sẽ giúp cho việc "đỡ đầu" học sinh của trường lâu dài và hiệu quả hơn.

"Từ việc gây quỹ này, phụ huynh sẽ biết chia sẻ, động viên nhau; các em có hoàn cảnh khó khăn sẽ có thêm nhiều cơ hội để đến trường. Rất may mắn, nhà trường nhận được sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, nên gần 1 năm học qua, nhiều học sinh đã được tiếp sức đến trường thông qua nhiều hình thức khác nhau" cô Hằng nói.

(Theo Dantri.vn)