Thứ năm 25/04/2024
  • Giáo dục
Thứ sáu, 06/05/2022 - 10:30:58

Tuyển sinh 2022: Thí sinh có nên chạy theo ngành học “hot”?

Chọn ngành học “hot” hay chọn ngành học theo sở thích, đam mê vẫn đang là băn khoăn của nhiều thí sinh trước ngưỡng cửa đại học.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ phối hợp tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực 2022

Lộ diện ngành học “hot”

Bà Phạm Thị Thu Hằng, cán bộ phòng Tuyển sinh, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội dự đoán, năm nay, bên cạnh ngành Công nghệ thông tin thì những ngành như Tự động hóa, Cơ điện tử, Phân tích kinh doanh hay Logistic… là những ngành “hot”, có sức hút lớn.

Đối với khối ngành Sư phạm, theo TS Trần Bá Trình, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, trong những năm qua những ngành như: Sư phạm Toán học, Sư phạm Ngữ Văn, Sư phạm tiếng Anh, Giáo dục Mầm non, Giáo dục Mầm non – Sư phạm tiếng Anh, Giáo dục tiểu học, các ngành cử nhân sư phạm giảng dạy bằng tiếng Anh luôn là ngành học “hot” của trường.

Nhiều năm gần đây, khối ngành Y dược cũng nhận được sự quan tâm của xã hội. Việc này thể hiện qua điểm chuẩn và tỷ lệ chọi hàng năm của ngành này luôn ở top đầu. Cùng với đó, nhiều trường đại học cũng đã mạnh dạn mở mới các ngành đào tạo liên quan đến khối y dược. Đơn cử, mùa tuyển sinh năm 2022, trường Đại học Y dược Thái Bình dự kiến mở thêm ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học. Ngoài 7 ngành thuộc khối Y dược đang đang đào tạo, năm nay Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tiếp tục mở thêm 2 ngành y học cổ truyền và sức khỏe răng miệng.

Còn theo số liệu phân tịch từ Vụ giáo dục đại học (Bộ giáo dục và Đào tạo), trong năm 2021, ngành có nhiều thí sinh đăng ký nhất là An ninh quốc phòng, Báo chí và thông tin, Nghệ thuật, Du lịch – khách sạn. Dự báo, năm nay những ngành này tiếp tục lọt tốp nhưng ngành học “hot”.

Lựa chọn thông minh

Tuy nhiên, việc chọn theo ngành học “hot” có phải sự lựa chọn tối ưu của các thí sinh. Bởi theo kết quả khảo sát của của Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý thuộc Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy, có tới 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường đại học chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành mình học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng. Có đến 75,6% sinh viên cho biết, họ ít thỏa mãn với nghề đã chọn, vào học mới biết không hợp; hay 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau.

Tương tự, khảo sát của ngành Giáo dục TP Cần Thơ với hơn 12.000 học sinh thành phố trong năm học 2020 - 2021 cho ra kết quả với hơn 55% học sinh không biết cách chọn ngành, nghề phù hợp; 45,2% học sinh không biết mình thích gì, giỏi gì; 77,6% mong muốn được tư vấn cách thức chọn nghề phù hợp với năng lực và đam mê bản thân…

Từ những nghiên cứu trên, bà Phạm Thị Thu Hằng cũng cho biết, trong quá trình lựa chọn ngành nghề, thí sinh không nên quá chú trọng vào ngành “hot”, thay vào đó là cân nhắc ngành học dựa trên sự yêu thích và khả năng của bản thân.

Còn TS Hoàng Kim Huệ, giảng viên Khoa Quản lí Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thông tin, theo nghiên cứu của Holland, việc chọn được nghề nghiệp phù hợp với sở thích sẽ gia tăng sự thỏa mãn của người đó trong công việc. Do đó, các thí sinh nên chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, tính cách của bản thân, xem xét yếu tố năng lực. Ngoài ra, các em cũng nên tìm hiểu xu hướng phát triển của nghề nghiệp trong tương lai, tại môi trường làm việc em mong muốn để có định hướng phù hợp.

Với kinh nghiệm tư vấn tuyển sinh nhiều năm, PGS Vũ Duy Hải, Phó Trưởng phòng tuyển sinh Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, thay vì chạy theo đám đông, trong quá trình chọn ngành, chọn nghề, thí sinh cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ càng. Theo đó, ưu tiên đầu tiên của thí sinh khi chọn ngành nghề là dựa trên sự đam mê, sở thích của bản thân; sau đó cần cân nhắc, tính toán dựa trên năng lực của bản thân. Trước khi chọn ngành, thí sinh cũng cần quan tâm đến học phí đào tạo của chương trình đó sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.

Những năm gần đây, cùng với xu hướng tự chủ, học phí của các trường đại học đã tăng lên đáng kể. Những ngành học được coi là “hot” thường có mức học phí cao hơn những ngành học khác. Chính vì thế, khi chọn ngành, thí sinh cần phải lưu ý vấn đề tài chính giữa các ngành học, giữa các hệ đào tạo trong cùng một ngành. Việc cân nhắc này là cần thiết vì cần phải có kế hoạch chuẩn bị kinh phí cho 4 - 5 năm học, thậm chí là 6 - 9 năm đối với khối Y dược.

Mộc Miên